- ›
- Luật giao thông
- ›
- Phân biệt 7 loại bằng lái xe ô tô thông dụng mới nhất năm 2020
Phân biệt 7 loại bằng lái xe ô tô thông dụng mới nhất năm 2020
Bằng lái ô tô có những loại nào là thắc mắc của rất nhiều người. Chắc hẳn bạn đã không ít lần càm thấy bối rối về các loại giấy phép lái xe đang có hiện nay. Việc nắm rõ về các loại bằng lái xe ô tô sẽ giúp bạn chọn học, thi và lái đúng chiếc xe phù hợp với loại bằng bạn sở hữu.
Thực tế để phân biệt các loại giấy phép lái xe ô tô hiện nay không phải là điều đơn giản do có rất nhiều loại bằng hiện nay. Hơn thế nữa, mỗi loại bằng phù hợp với mỗi đối tượng, điều kiện học và thi, thời hạn khác nhau.
Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng vì tôi cam kết sẽ giúp bạn nhận biết chi tiết về đặc điểm của mỗi loại bằng lái xe ô tô hiện nay. Thông qua đó sẽ giúp bạn chọn học và thi loại bằng lái phù hợp.
Trong bài viết này, tôi sẽ giúp bạn nắm rõ thông tin đặc điểm của 7 loại bằng lái xe ô tô phổ biến nhất hiện nay. Tôi sẽ đi trình bày chi tiết về đối tượng phù hợp để học và thi, loại phương tiện được phép điều khiển tương ứng với loại giấy phép lái xe, thời hạn của bằng. Nếu làm mất bằng lái xe ô tô, bạn cần làm thủ tục xin cấp lại để tránh phạm luật giao thông.
Nào ! Cùng tìm hiểu ngay !
Theo thông tư 12/2017/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ của Bộ Giao thông Vận tải, giấy phép lái xe hạng B gồm ba loại: B1 số tự động, B1 và B2.
Lưu ý với người có giấy phép lái xe hạng B1 số tự động và B1 thì không được hành nghề lái xe. Riêng đối với giấy phép lái xe hạng B2 không có hạn chế này
Bằng lái xe hạng B1 số tự động
Bằng lái ô tô có những loại nào ? Trước hết tôi sẽ giới thiếu tới bạn loại bằng lái xe hạng B1 số tự động. Loại GPLX này cấp cho những chủ xe không hành nghề lái xe và sử dụng những loại xe trang bị hệ thống số tự động và các loại xe sau đây:
- Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe
- Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg
- Ô tô dùng cho người khuyết tật.
Bằng B1 số tự động là loại bằng lái ô tô rất phổ biến được nhiều người lựa chọn. Loại bằng này chủ yếu dành cho những cá nhân có xe ô tô số tự động, dễ học, ít tốn thời gian thi hơn những loại bằng khác. Nhưng, nhược điểm của loại bằng này đó là người sở hữu không được phép hành nghề lái xe kinh doanh dịch vụ vận tải, vận chuyển hành khách hoặc hàng hóa, đồng thời không thể sử dụng để lái xe số sàn. Loại bằng này trở nên phổ biến phần lớn là do các hãng ô tô hiện nay có xu thế sản xuất ô tô số tự động nhiều hơn.
Bằng lái xe hạng B1
Loại bằng lái xe hạng B1 này cho phép bạn lái xe số tự động và số sàn, bao gồm cả các phương tiện như hạng B1 số tự động, cấp cho những cá nhân không hành nghề lái xe kinh doanh, dịch vụ vận tải sử dụng để điều khiển những loại xe sau đây:
- Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe
- Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg
- Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.
Giấy phép lái xe ô tô B1 ít được mọi người lựa chọn học do loại bằng này gặp phải hạn chế đó là người lái không được hành nghề lái xe kinh doanh, dịch vụ vận tải. Vì thế, nhiều người có xu hướng chọn bằng B1 loại số tự động hoặc họ sẽ chuyển sang học một loại bằng cao hơn nữa đó là bằng B2.
Bằng lái xe hạng B2
Bằng B2 là loại bằng phổ biến được nhiều người mới mua xe chọn học hoặc những người mới học lái xe lựa chọn do loại bằng này cho phép người lái có thể hành nghề lái xe và điều khiển những loại xe sau đây:
- Người lái xe ô tô 4 – 9 chỗ, ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn
- Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1
Rất nhiều người mới học lái xe ô tô thường sẽ chọn bằng B2 bởi sự tiện dụng và đặc biệt là cá nhân học loại bằng này sẽ được phép hành nghề lái xe và được sử dụng hầu hết mọi loại xe cơ bản tại Việt Nam. Nhược điểm của GPLX hạng B2 đó là có kỳ hạn 10 năm kể từ ngày cấp. Khi gần tới ngày hết hạn, người lái cần phải đi xin phép cấp lại.
Bằng lái xe hạng C
Loại bằng này chủ yếu dành cho những cá nhân hành nghề lái xe ô tô tải có trọng lượng trên 3500KG sau đây:
- Ô tô tải, kể cả ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3500KG trở lên.
- Máy kéo và kéo một rơ moóc có trọng tải từ 3500KG trở lên
- Bao gồm các loại xe cho phép loại bằng B1 và B2 điều khiển.
Bằng lái xe ô tô hạng C là một trong những loại bằng có thể học trực tiếp và thi lấy bằng lái. Nhược điểm của loại bằng này đó là có kỳ hạn 03 năm. Khi gần hết hạn, người lái phải đi gia hạn.
Bằng lái xe hạng D
Lại bằng này để chở người theo hợp đồng, cung cấp dịch vụ vận tải, kinh doanh vận tải…
Sở hữu bằng lái xe hạng D, bạn có thể điều khiển những phương tiện sau đây:
- Ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi dành cho người lái xe
- Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2 và C
Lưu ý: Để sở hữu bằng lái D, người học phải nâng hạng bằng từ những loại bằng thấp hơn như B2 và C… chứ không được phép học trực tiếp để lấy bằng D. Ngoài ra, người học bằng lái xe hạng D phải có trình độ trung học phổ thông trở lên. Bằng D là loại bằng có kỳ hạn 3 năm kể từ ngày cấp, gần hết hạn bạn phải đi gia hạn thêm.
Bằng lái xe hạng E
Loại bằng lái xe này phù hợp cho những người lái các phương tiện có nhiều chỗ ngồi và số lượng chỗ ngồi được gia tăng so với bằng hạng D cụ thể như sau:
- Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi.
- Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và D.
Để sở hữu bằng lái xe hạng E, học viên phải học các bằng dưới như B2, C, D thì mới được thi nâng lên hạng E. Ngoài ra, muốn học và thi bằng lái xe hạng E, người lái phải có thâm niên 05 năm trong nghề lái xe hạng D.
Bằng lái xe hạng F
Trong số các loại bằng lái ô tô thì giấy phép lái xe hạng F là loại bằng có giá trị cao và muốn học được người lái phải có nhiều năm kinh nghiệm và phải thật am hiểu thì mới có thể sở hữu được loại bằng này. Bằng lái xe hạng F chỉ cấp cho những cá nhân đã sở hữu các loại bằng hạng B2, C, D và E. Sở hữu bằng F, người lái có thể điều khiển các phương tiện rơ moóc có trọng tải thiết kế trên 750KG, sơ mi rơ moóc, ô tô khách nối toa, được quy định cụ thể hạng giấy phép lái xe như sau:
a) Hạng FB2 cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng B2 có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1 và hạng B2;
b) Hạng FC cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng C có kéo rơ moóc, ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và hạng FB2;
c) Hạng FD cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng D có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D và FB2;
d) Hạng FE cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng E có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe: ô tô chở khách nối toa và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D, E, FB2, FD.
Giấy phép lái xe giường nằm và xe buýt
Hạng giấy phép lái xe sử dụng cho người lái xe ô tô khách giường nằm, ô tô khách thành phố (sử dụng để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt) thực hiện theo quy định tại khoản 9 và khoản 10 Điều này. Số chỗ ngồi trên xe được tính theo số chỗ trên xe ô tô khách cùng kiểu loại hoặc xe ô tô có kích thước giới hạn tương đương chỉ bố trí ghế ngồi.
Điều kiện đối với người học lái xe ô tô
Theo quy định học bằng lái xe ô tô năm 2020, để học lái xe ô tô, học viên cần đáp ứng được các điều kiện sau đây:
- Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam.
- Đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe, trình độ văn hóa theo quy định; đối với người học để nâng hạng giấy phép lái xe, có thể học trước nhưng chỉ được dự sát hạch khi đủ tuổi theo quy định.
Đối với người học để nâng hạng giấy phép lái xe cần đảm bảo có đủ thời gian lái xe hoặc hành nghề và số km lái xe an toàn như sau:
- Hạng B1 số tự động lên B1: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên;
- Hạng B1 lên B2: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên;
- Hạng B2 lên C, C lên D, D lên E; các hạng B2, C, D, E lên hạng F tương ứng; các hạng D, E lên FC: thời gian hành nghề từ 03 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên;
- Hạng B2 lên D, C lên E: thời gian hành nghề từ 05 năm trở lên và 100.000 km lái xe an toàn trở lên.
- Đối với người học để nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.
Khi tham gia giao thông, bạn cần đem theo đầy đủ giấy tờ, nhất là bằng lái xe phủ hợp với phương tiện bạn đang sử dụng để tránh phạm lỗi lái xe không có bằng lái. Hy vọng với những chia sẻ mà bài viết này đem lại sẽ thật sự hữu ích tới bạn !