• Luật giao thông
  • Những trường hợp mà CSGT được quyền tạm giữ phương tiện theo Nghị định 100

Những trường hợp mà CSGT được quyền tạm giữ phương tiện theo Nghị định 100

Cảnh sát giao thông (CSGT) có thể tạm giữ phương tiện với mục đích ngăn chặn hành vi vi phạm hoặc xác định căn cứ để đưa ra quyết định xử phạt.

Việc tạm giữ chỉ được thực hiện trong trường hợp thực sự cần thiết hoặc người điều khiển gây ra hậu quả nghiêm trọng. Căn cứ vào Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì mục đích việc CSGT thực hiện lệnh tạm giữ phương tiện với 3 trường hợp:

  • Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt.

  • Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

  • Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt với hình thức phạt tiền cho đến khi cá nhân, tổ chức vi phạm nộp phạt xong.

Theo Điều 82 Nghị định 100 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 thì những trường hợp sau đây CSGT được tạm giữ phương tiện vi phạm giao thông. Thời gian tạm giữ phương tiện tối đa 7 ngày trước khi đưa ra quyết định xử phạt.

nhung-truong-hop-ma-csgt-duoc-quyen-tam-giu-phuong-tien-theo-nghi-dinh-100
Những trường hợp người vi phạm bị tạm giữ phương tiện.

Dưới đây là một số lỗi vi phạm phổ biến theo Nghị định 100 mà người điều khiển có thể bị tạm giữ phương tiện:

– Đối với ô tô:

+ Điều khiển xe mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá: 50 miligam/100 mililít máu; 0,25 miligam/1 lít khí thở;

+ Đi ngược chiều trên đường cao tốc;

+ Lùi xe trên đường cao tốc;

+ Không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy của người thi hành công vụ;

+ Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có ma túy;

+ Không có Giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng;

+ Với các loại xe yêu cầu phải gắn biển số thì không gắn biển số;

+ Có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 1 tháng;

+ Không đủ hệ thống hãm hoặc có đủ hệ thống hãm nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật;

+ Gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp;

+ Sử dụng Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa; sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe;

+ Không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 1 tháng trở lên;

– Đối với xe máy:

+ Điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc;

+ Điều khiển xe mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở;

+ Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe.

+ Dùng chân điều khiển xe;

+ Ngồi về một bên điều khiển xe;

+ Nằm trên yên xe điều khiển xe;

+ Thay người điều khiển khi xe đang chạy;

+ Lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị;

+ Chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh;

+ Điều khiển xe thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định;

+ Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ;

+ Không có Giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng;

+ Sử dụng Giấy đăng ký xe đã bị tẩy xóa; không đúng số khung, số máy của xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp;

+ Điều khiển xe không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số); gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp…

Chú ý: Đối với những trường hợp người điều khiển không xuất trình được một, một số hoặc tất cả các giấy tờ (Giấy phép lái xe, Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) theo quy định thì xử lý như sau (quy định tại mục 3 điều 82):

“a) Người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện về hành vi không có giấy tờ (tương ứng với những loại giấy tờ không xuất trình được), đồng thời lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện về những hành vi vi phạm tương ứng quy định tại Điều 30 Nghị định này và tạm giữ phương tiện theo quy định;

b) Trong thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, nếu người vi phạm xuất trình được các giấy tờ theo quy định thì người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt về hành vi không mang theo giấy tờ đối với người điều khiển phương tiện (không xử phạt đối với chủ phương tiện);

c) Quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm mới xuất trình được hoặc không xuất trình được giấy tờ theo quy định thì phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với các hành vi vi phạm đã ghi trong biên bản vi phạm hành chính.”

Như vậy, hầu hết trường hợp tạm giữ phương tiện được áp dụng đối với những lỗi vi phạm nặng mà CSGT cần phải thực hiện để không gây những hậu quả tiếp theo và bảo đảm việc thi hành quyết định xử phạt đối với người vi phạm.

Tóm lại, tài xế ô tô, xe máy nên tìm hiểu và tôn trọng Luật Giao thông đường bộ và luôn cập nhật tin tức pháp luật mới nhất để tránh vi phạm.

Xem thêm:

(Nguồn ảnh: Internet)

Nguồn: BanXeHoi