- ›
- Luật giao thông
- ›
- Không bật đèn xi nhan khi chuyển làn: Cập nhật mức phạt mới nhất 2020
Không bật đèn xi nhan khi chuyển làn: Cập nhật mức phạt mới nhất 2020
Chuyển làn không có tín hiệu báo trước (không xi nhan) bị phạt bao nhiêu ? Trường hợp nào bắt buộc và không bắt buộc bật đèn báo rẽ khi lái xe ? Có được phép tự ý thay đổi thiết kế đèn chiếu sáng của xe khác so với ban đầu ? Lái xe ban đêm không bật đèn chiếu sáng phạt bao nhiêu ? Vì sao bật đèn pha trong hầm đường bộ lại bị xử phạt ?
Và còn rất nhiều thắc mắc khác liên quan tới vấn đề sử dụng đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đây đều là những câu hỏi nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người bởi vì nếu không nắm kỹ sẽ khiến bạn có nguy cơ bị xử phạt nặng thậm chí bị thu giữ phương tiện nếu lỗi nghiêm trọng.
Chắc hẳn bạn sẽ đồng ý với tôi rằng thật sự khó khăn để có thể nắm đầy đủ và chính xác các quy định xử phạt lỗi không bật đèn xe khi tham gia giao thông. Bởi vì có thể đã có thay đổi bổ sung từ Luật mà bạn chưa kịp thời nắm dẫn tới những hiểu lầm tai hại sau này.
Nhưng hóa ra việc cập nhật những quy định mới nhất liên quan tới mức phạt khi bị thu giữ bằng lái xe không khó như bạn nghĩ !
Những gì bạn cần làm chính là đọc thật kỹ những cập nhật thông tin liên quan tới các trường hợp bắt buộc và không bắt buộc người tham gia giao thông bật đèn xi nhan, mức xử phạt khi vi phạm lỗi không bật đèn báo rẽ, quy định bật đèn chiếu sáng khi lái xe ban đêm, mức phạt khi tự ý thay đổi kết cấu đèn xe. Đặc biệt ở phần cuối bài viết, tôi sẽ lý giải Vì sao bật đèn pha trong hầm đường bộ lại bị xử phạt ?
Nghe thật thú vị đúng không ? Nếu bạn muốn biết nhiều hơn, tất cả những gì bạn phải làm là đọc tiếp phần bên dưới!
1. Chuyển làn đường không có tín hiệu phạt bao nhiêu
Ở lần trước, tôi đã giải đáp thắc mắc đi sai làn đường thì bị phạt bao nhiêu tiền. Tiếp tục, lần này tôi sẽ giúp bạn gỡ rối câu hỏi mức phạt lỗi chuyển làn không có tín hiệu.
Trong trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm lỗi chuyển làn đường không bật xi nhan – chuyển làn đường không có tín hiệu sẽ bị cảnh sát giao thông lập biên bản và xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt. Cụ thể:
Đối với ô tô hoặc tương tự ô tô:
- Hành vi chuyển làn đường không đúng nơi cho phép, hoặc không có tín hiệu báo trước, sẽ bị phạt tiền 400.000 – 600.000 đồng (điểm a, khoản 2 điều 5).
- Hành vi chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp xe di chuyển theo hướng cong của đường bộ không giao nhau cùng mức), sẽ bị phạt tiền 800.000 – 1.000.000 đồng (điểm c, khoản 3 điều 5).
- Trong trường hợp người điều khiển phương tiện chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi lưu thông trên cao tốc, sẽ bị phạt tiền 3.000.000 – 5.000.000 đồng (điểm g khoản 5 điều 5). Ngoài ra người điều kiểm xe vi phạm lỗi này bị xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Đối với xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện,…
- Người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt các hành vi chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu rẽ, sẽ bị phạt tiền 100.000 – 200.000 đồng (điểm i khoản 1 điều 6).
- Người điều khiển phương tiện chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp xe di chuyển theo hướng cong của đường bộ không giao nhau cùng mức), sẽ phạt tiền 400.000 – 600.000 đồng (điểm a khoản 3 điều 6).
2. Trường hợp nào bắt buộc bật đèn báo rẽ khi lái xe ?
Điều 15 Luật giao thông đường bộ năm 2008 có quy định:
1. Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.
2. Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
3. Trong khu dân cư, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng chỉ được quay đầu xe ở nơi đường giao nhau và nơi có biển báo cho phép quay đầu xe.
4. Không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ, đường cao tốc, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất.
Tóm lại, để đảm bảo chuyển làn đường đúng luật thì những trường hợp phải bật đèn xi-nhan gồm: chuyển làn; rẽ phải, rẽ trái, quay đầu; vượt xe khác; cho xe chuyển bánh từ vị trí đỗ, hoặc chạy vào sát vỉa hè để dừng, đỗ xe.
3. Trường hợp nào không bắt buộc bật đèn báo rẽ ?
Dưới đây là những trường hợp không bắt buộc người tham gia giao thông phải bật đèn báo rẽ:
- Khi đi theo đường cong, người điều khiển phương tiện giao thông cua theo đường cong (không phải ngã rẽ, chuyển hướng, chuyển làn) thì vẫn xem là đang đi trên một đoạn đường thẳng, theo một hướng, không hề gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông phía sau hoặc chiều ngược lại thì không bắt buộc bật đèn tín hiệu.
- Tại vòng xuyến theo nguyên tắc bật đèn báo rẽ ‘vào trái, ra phải”. Cụ thể là khi vào vòng xuyến bật đèn báo rẽ trái và khi ra bật đèn báo rẽ phải.
- Di chuyển trên đường cong (không có ngã rẽ, chuyển làn, chuyển hướng), mặc dù được xem là đoạn đường thẳng nhưng người điều khiển phương tiện nên vật tín hiệu báo rẽ theo hướng để an toàn cho bản thân cũng như người tham gia giao thông phía sau hoặc chiều ngược lại.
- Qua ngã 3 có đường nhánh như chữ Y, người điều khiển có thể đi thẳng từ chân chữ Y lên mà không bật đèn báo rẽ. Tuy nhiên khi cần rẽ thì phải có tín hiệu đèn báo.
- Đối với trường hợp lùi (de) vào đường nhỏ hoặc ngõ thì phải bật tín hiệu báo rẽ tương tự như khi xe đang tiến về trước; đèn tín hiệu thường được dùng trong lúc này là đèn ưu tiên (Hazard). Điều này tạo tín chủ động trong việc điều chuyển hướng xe.
Mặc dù các trường hợp trên Luật pháp không yêu cầu người lái bật xi nhan. Tuy nhiên, để giúp tăng sự an toàn cho chính bạn và những người đang cùng tham gia giao thông thì bạn rất nên bật xi nhan.
4. Cần đảm bảo khoảng cách phải bật tín hiệu rẽ là bao xa ?
Hiện nay, luật không quy định khoảng cách bắt buộc phải bật đèn xi-nhan trước khi cho xe chuyển hướng. Tuy nhiên, nếu bật xi-nhan quá sớm hoặc tắt muộn quá là đều không nên vì sẽ khiến người xung quanh không hiểu ý định của bạn.
Vì vậy để bảo đảm an toàn, nếu giảm tốc độ khi vào chỗ rẽ, nên bật xi nhan trước khoảng 25-30 mét, và sau khi rẽ xong, cũng duy trì thêm 5-10 mét ở vị trí thẳng lái rồi mới tắt xi-nhan.
*** Chuyên gia hướng dẫn chi tiết cách xác định làn đường để tránh vi phạm giao thông
5. Chủ phương tiên có được phép thay đổi thiết kế đèn xe khác với nhà sản xuất ?
Theo quy định tại Điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì Bảo đảm quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ như sau:
“1. Việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Không được cải tạo các xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách.
2. Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
3. Xe ô tô và rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô tham gia giao thông đường bộ phải được kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (sau đây gọi là kiểm định).
…”
Tóm lại, thay đổi đèn xe có bị phạt không ? Theo quy định của pháp luật, chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Nếu vi phạm sẽ áp dụng mức xử phạt lỗi sau đây:
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì:
4. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy;
- Tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe;
- Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe;
- Khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp lại biển số, Giấy đăng ký xe;
6. Lái xe ban đêm không bật đèn chiếu sáng phạt bao nhiêu ?
Luật Giao thông đường bộ Việt Nam năm 2008 quy định đối với người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường phải chấp hành các quy tắc giao thông, trong đó quy định các phương tiện lưu thông trên đường, thời gian từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau phải bật đủ đèn chiếu sáng.
Về mức phạt không bật đèn chiếu sáng phạt bao nhiêu, theo quy định tại Nghị định 46/2016 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thì lỗi không bật đèn chiếu sáng khi tham gia giao thông lúc tối trời – sẽ được quy định cụ thể với ô tô, xe máy.
Theo Điểm g, Khoản 3, Điều 5 của Nghị định 46/2016: Không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều. Với người điều khiển ô tô vi phạm lỗi này sẽ bị phạt từ 600.000-800.000 đồng.
Nếu thực hiện hành vi này mà gây tai nạn giao thông thì lái xe cũng sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng theo quy định tại Điểm c, Khoản 12, Điều 5.
Theo Điểm c, Khoản 2, Điều 6, Nghị định 46/2016: Đối với mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện) không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn. Mức phạt sẽ từ 80.000 – 100.000 đồng.
Trong trường hợp thực hiện hành vi này mà gây tai nạn giao thông thì người lái mô tô, xe máy sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng, theo quy định tại Điểm c, Khoản 12, Điều 6, Nghị định 46/2016.
Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng sẽ bị phạt từ 200.000 – 400.000 đồng theo quy định tại Điểm e, Khoản 3, Điều 7, Nghị định 46/2016. Ngoài ra, nếu gây tai nạn giao thông, người lái xe (khi điều khiển máy kéo) còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 2 đến 4 tháng.
7. Vì sao bật đèn pha trong hầm đường bộ lại bị xử phạt ?
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 27 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người điều khiển phương tiện trong hầm đường bộ ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông theo quy định còn phải thực hiện các quy định sau đây: Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải bật đèn; xe thô sơ phải bật đèn hoặc có vật phát sáng báo hiệu.
Do đó, khi đi trong hầm đường bộ, người điều khiển phương tiện phải tuân thủ quy định bật đèn khi lưu thông.
Nếu không chấp hành quy định trên thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 46/2016. Cụ thể, đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô chạy trong hầm đường bộ mà không sử dụng đèn chiếu sáng gần thì phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.
Đối với người điều khiển xe máy chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần thì sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Tóm lại, khi đi trong hầm đường bộ, hành vi bật đèn pha sẽ làm người đi ngược chiều bị chói mắt, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Vì vậy, bật đèn pha trong hầm đường bộ sẽ bị xử phạt.
Hy vọng với những chia sẻ mà bài viết này đem đến sẽ thật sự hữu ích cho bạn !