- ›
- Luật giao thông
- ›
- Cảnh sát giao thông được quyền dừng xe khi nào ? Thẩm quyền kiểm tra của CSGT (2020)
Cảnh sát giao thông được quyền dừng xe khi nào ? Thẩm quyền kiểm tra của CSGT (2020)
Quy trình dừng xe của CSGT khi xử lý vi phạm giao thông ? CSGT được dừng xe trong trường hợp nào ? CSGT có quyền dừng xe kiểm tra giấy tờ không ? CSGT có được dừng xe kiểm tra nồng độ cồn ? CSGT có được rút chìa khóa xe ? Không ký biên bản xử phạt, người vi phạm giao thông có phạm luật ?
Đây đều là những câu hỏi nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người bởi vì nếu không nắm kỹ sẽ khiến bạn có nguy cơ bị xử phạt nặng, bị tước giấy phép lái xe, thu giữ phương tiện và nghiêm trọng nhất là gây tai nạn giao thông.
Chắc hẳn bạn sẽ đồng ý với tôi rằng thật sự khó khăn để có thể nắm đầy đủ và chính xác các quy định mới nhất về Luật giao thông. Bởi vì có thể đã có thay đổi bổ sung từ Luật mà bạn chưa kịp thời nắm dẫn tới những hiểu lầm tai hại sau này.
Nhưng hóa ra việc cập nhật những quy định mới nhất liên quan Luật giao thông đường bộ không khó như bạn nghĩ !
Những gì bạn cần làm chính là đọc thật kỹ những cập nhật thông tin liên quan tới Cách dừng xe của cảnh sát giao thông khi xử lý vi phạm, các trường hợp CSGT được quyền dừng xe người tham gia giao thông, hành vi CSGT rút chìa khóa xe của người vi phạm là đúng hay sai, lỗi không ký biên bản vi phạm giao thông.
Nghe thật thú vị đúng không ? Nếu bạn muốn biết nhiều hơn, tất cả những gì bạn phải làm là đọc tiếp phần bên dưới!
Quy trình dừng xe của CSGT khi xử lý vi phạm giao thông đường bộ
Cách dừng xe của cảnh sát giao thông khi xử lý vi phạm giao thông đường bộ gồm: Hiệu lệnh dừng phương tiện + Chào bằng động tác hoặc kết hợp chào bằng lời nói + Kiểm tra giấy tờ và thông báo lỗi. Cụ thể như sau:
1. Hiệu lệnh dừng phương tiện
Theo Điều 13 Thông tư 65/2012/TT-BCA, CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện trong 4 trường hợp và thực hiện thông qua tín hiệu dừng phương tiện gồm:
- Bằng tay, gậy chỉ huy giao thông;
- Còi, loa pin cầm tay, loa điện gắn trên phương tiện tuần tra;
- Đèn tín hiệu, biển báo hiệu, Barie hoặc rào chắn.
Trong đó, khi dừng xe tại một điểm trên đường CSGT thực hiện như sau:
Ngoài khu vực nội thành, nội thị
Bước 1: Đứng nghiêm, hướng về phía phương tiện giao thông cần kiểm soát, thổi 01 hồi còi dài, mạnh, dứt khoát. Đồng thời, tay phải cầm gậy chỉ huy giao thông đưa lên theo phương thẳng đứng.
Bước 2: Khi người điều khiển phương tiện nhận được tín hiệu và giảm tốc độ, dùng gậy chỉ huy giao thông chỉ vào phương tiện cần kiểm soát, kết hợp với âm hiệu còi hướng dẫn cho phương tiện cần kiểm soát đỗ vào vị trí phù hợp.
Trong khu vực nội thành, nội thị
Bước 1: Đứng nghiêm hướng về phía phương tiện cần kiểm soát, tay phải cầm gậy chỉ huy giao thông đưa lên và chỉ vào phương tiện cần kiểm soát, thổi 01 hồi còi dài, dứt khoát.
Bước 2: Khi người điều khiển phương tiện nhận được tín hiệu và giảm tốc độ, dùng gậy chỉ huy giao thông kết hợp âm hiệu còi hướng dẫn cho phương tiện cần kiểm soát đỗ vào vị trí thích hợp.
2. Chào bằng động tác hoặc kết hợp chào bằng lời nói
CSGT khi mặc trang phục phải chào bằng động tác hoặc kết hợp chào bằng lời khi gặp để giải quyết công việc với nhân dân, với người nước ngoài (điểm b khoản 2 Thông tư 17/2012/TT-BCA).
Khi làm việc và quan hệ công tác với cán bộ và nhân dân, tùy từng trường hợp cụ thể để gọi bằng “đồng chí” và xưng “tôi” hoặc tùy theo lứa tuổi để xưng hô cho phù hợp với phong tục.
Lưu ý, khi tiếp xúc với người vi phạm CSGT phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; có thái độ ứng xử đúng mực; không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối xử với người vi phạm.
3. Kiểm tra giấy tờ và thông báo lỗi
Khi đã dừng phương tiện thì CSGT phải thực hiện kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy phạm pháp luật. Do đó, CSGT phát hiện hành vi vi phạm giao thông thì được dừng xe và thực hiện việc kiểm soát giấy tờ.
Theo điểm a khoản 1 Điều 14 Thông tư 01/2016/TT-BCA, kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện bao gồm:
- Giấy phép lái xe; Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ khác có liên quan đến người, phương tiện, hoạt động vận tải;
- Khi kiểm soát phải đối chiếu giữa các giấy tờ với nhau, giữa giấy tờ có liên quan với thực tế người, phương tiện, hàng hóa vận chuyển trên phương tiện.
CSGT được dừng xe trong trường hợp nào ?
Khi lái xe, không ít người cảm thấy bối rối khi không vi phạm giao thông nhưng vẫn bị cảnh sát giao thông thổi vào để kiểm tra giấy tờ.
Tôi sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc xoay quanh vấn đề CSGT dừng xe không cần lỗi ? CSGT có được dừng xe khi không vi phạm ? CSGT có quyền dừng xe kiểm tra giấy tờ không ?
Bộ Công an ban hành Thông tư 65/2020/TT-BCA (*) quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, trong đó, chỉ còn 04 trường hợp CSGT được dừng xe.
CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau:
Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dùng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
(*) Thông tư 65/2020/TT-BCA chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 05/8/2020 và thay thế Thông tư 01/2016/TT-BCA.
Tóm lại, CSGT được yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe để kiểm tra giấy tờ. Trường hợp thổi vào để xử phạt thì CSGT phải chứng minh được lỗi vi phạm của người tham gia giao thông (Điều 3 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).
Do đó, khi tham gia giao thông, bạn cần mang theo đầy đủ giấy tờ cá nhân để tránh mắc phải lỗi lái xe không có bằng lái, không có giấy đăng ký xe, không có bảo hiểm bắt buộc…
CSGT có được dừng xe kiểm tra nồng độ cồn ?
Lái ô tô có nồng độ cồn gây hệ lụy nghiêm trọng cho chính bản thân và những người tham gia giao thông khác. Do đó, lỗi lái xe có nồng độ cồn thường bị phạt rất nặng.
CSGT vẫn có quyền dừng xe và kiểm tra nồng độ cồn dù cho bạn không có dấu hiệu vi phạm giao thông, nhưng CSGT phải có mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên; thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên…
CSGT có được rút chìa khóa xe ?
Để giải đáp thắc mắc Cảnh sát giao thông có quyền rút chìa khóa xe của người tham gia giao thông hay không ? Cần căn cứ vào Quyền hạn của cảnh sát giao thông được quy định tại Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA, cụ thể:
- Được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ;
- Xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
- Tạm giữ giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt hành chính;
- Được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn giao thông; ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
- Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;
- Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó;
- Tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng phương tiện, đỗ phương tiện khi có ách tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Thêm vào đó, khi tiếp xúc với nhân dân cảnh sát giao thông phải có thái độ kính trọng, lễ phép, tận tụy, đúng mực (khoản 3 Điều 3 Thông tư 01/2016/TT-BCA).
Tóm lại, việc rút chìa khóa xe của người điều khiển phương tiện không nằm trong quyền hạn của cảnh sát giao thông. Đồng nghĩa với việc CSGT thông không có quyền rút chìa khóa xe của người vi phạm.
Không ký biên bản xử phạt, người vi phạm giao thông có phạm luật ?
Trường hợp, người vi phạm giao thông không đồng ý với quyết định xử phạt mà Cảnh sát giao thông áp dụng thì vẫn bị xử phạt lỗi đã mắc trước đó.
Rất nhiều người đã bực tức vì bị CSGT tuýt còi nhưng không thuyết phục được lỗi của người vi phạm nên không ký và ghi chú vào biên bản xử phạt.
Xét về quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của CSGT khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ. Cụ thể, tại khoản 3, điều 5, Thông tư 01/2016 của Bộ Công an quy định: “CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”.
Bên cạnh đó, Mục 1 Khoản 3 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:
“1. Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.
3. Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký; trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản; trường hợp biên bản gồm nhiều tờ, thì những người được quy định tại khoản này phải ký vào từng tờ biên bản.
Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt.”
Như vậy, chiếu theo quy định này nếu người vi phạm không chịu ký vào biên bản thì vẫn bị xử phạt với lỗi vi phạm trước đó, và người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản. Hiện nay vẫn chưa có quy định về xử phạt người vi phạm không chịu ký quyết định xử phạt, nên nếu bạn vi phạm giao thông mà không ký thì chỉ bị xử phạt lỗi vi phạm đã mắc phải.
Trong trường hợp bạn không đồng ý với quyết định thì cũng có quyền khiếu nại lên trụ sở Đội, Phòng CSGT nơi lập biên bản để đưa ra bằng chứng minh không vi phạm.
Với những chia sẻ của DailyXe trong bài viết này, hy vọng sẽ thật sự hữu ích cho bạn khi tham gia giao thông !