- ›
- Luật giao thông
- ›
- 5 quy định mới về taxi công nghệ theo nghị 10/2020
5 quy định mới về taxi công nghệ theo nghị 10/2020
Hình thức kinh doanh vận tải theo Nghị định 10/2020 có gì khác so với trước kia về Quy định xe phải dán phù hiệu ? Có bắt buộc phải gắn hộp đèn ? Quy định về giá chở khách ?
Nghị định 10/2020 thay thế cho Nghị định số 86/2014 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô có hiệu lực từ 1/4 có nhiều điểm mới, rõ ràng hơn cho hoạt động kinh doanh vận tải cũng như các tài xế taxi công nghệ.
Đó là những gì bạn sắp được khám phá ngay sau đây. Trong nội dung dưới đây, tôi sẽ giúp bạn hiểu tường tận về 5 quy định mới về taxi công nghệ theo Nghị định 1/2020 sẽ có hiệu lực từ 1/4/2020.
1. Khái niệm mới về hình thức kinh doanh vận tải theo Nghị định 10/2020
Trước đây, một doanh nghiệp được xác định là đơn vị kinh doanh vận tải thì phải cung cấp lộ trình, phạm vi hoạt động, ứng dụng, giải pháp công nghệ, xe và tài xế.
Do đó, các công ty hay đơn vị chỉ cung cấp giải pháp hay ứng dụng công nghệ cho ôtô chắc chắn sẽ không đủ điều kiện đăng ký dịch vụ vận tải. Giải pháp trước đây là một hợp tác xã vận tải sẽ đứng ra mua, thuê lại ứng dụng này rồi cung cấp hợp đồng cho tài xế và sử dụng ứng dụng như một giải pháp thay thế. Ví dụ: Grab sẽ không có quyền kinh doanh vận tải, mà phải dưới hình thức cho một hợp tác xã thuê lại ứng dụng của mình, rồi hợp tác xã sẽ khai thác tài xế.
Ở Nghị định mới, quy định này cụ thể hơn bằng việc đã phân định rõ giữa khái niệm đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải.
Cụ thể đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải điển hình là Grab nếu thực hiện các công đoạn (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) thì sẽ phải đăng ký kinh doanh vận tải và hoạt động theo những quy định về điều kiện kinh doanh vận tải và chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là đơn vị kinh doanh vận tải.
Nghị định được thông qua giúp cho những đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải như Grab dễ dàng hơn trong việc đăng kí kinh doanh mà không bị ràng buộc về vấn đề phải có xe. Do đó, doanh nghiệp sẽ chủ động trong việc chọn lựa sẽ là nhà cung cấp ứng dụng, kinh doanh hay chỉ là dịch vụ hỗ trợ cho ngành.
Từ ngày 01/4/2020, sẽ dừng thí điểm taxi công nghệ (taxi Grab, Fastgo…). Vì vậy hình thức kinh doanh xe công nghệ sẽ chuyển sang áp dụng theo Nghị định 10/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ 01/4/2020. Dưới đây là 3 lưu ý mà bất kỳ người lái xe công nghệ nào cũng cần ghi nhớ.
*** Đọc thêm bài Lái xe ô tô cần mang theo giấy tờ gì để không bị phạt ?
2. Quy định xe phải dán phù hiệu
Từ ngày 01/4/2020, các đơn vị kinh doanh vận tải và phương tiện kinh doanh vận tải đang tham gia Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016) sẽ phải dừng hoạt động thí điểm.
Các đơn vị này buộc phải chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình để đảm bảo đúng quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP. Hoặc trở thành đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải hoặc trở thành đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Theo đó, nếu các đơn vị lựa chọn hình thức kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (đây là loại hình taxi công nghệ đang hoạt động thí điểm) phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe và phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu 06 x 20 cm.
3. Giá chở khách không do ứng dụng kết nối quyết định
Theo Điều 35 Nghị định 10/2020/NĐ-CP, đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải chỉ được cung cấp phần mềm, không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải.
Như vậy, các đơn vị cung cấp phần mềm vận chuyển như Grab… sẽ không được trực tiếp quyết định giá.
Muốn quyết định giá sẽ phải kết nối với phần mềm của doanh nghiệp/hợp tác xã kinh doanh vận tải nơi lái xe đăng ký để doanh nghiệp/hợp tác xã quyết định giá theo phần mềm. Hoặc tự các đơn vị cung cấp phần mềm phải đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
4. Xe đang tham gia thí điểm phải xin cấp lại phù hiệu
Theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT, xe tham gia thí điểm phải gắn phù hiệu xe hợp đồng và đáp ứng đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật đối với loại hình xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Tuy nhiên, tại Nghị định 10 năm 2020 quy định đối với xe hợp đồng có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái xe), đã được cấp phù hiệu hoặc biển hiệu theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP phải thực hiện cấp lại phù hiệu theo quy định tại Nghị định này và dán cố định trên xe ô tô kinh doanh vận tải.
Việc xin cấp lại phù hiệu này bắt buộc phải thực hiện xong trước ngày 01/7/2021.
Các loại hình xe công nghệ sẽ phải lựa chọn mô hình hoạt động từ 01/4/2020 và có thể sẽ phải đăng ký kinh doanh như một đơn vị vận tải, nếu muốn tiếp tục các chức năng hiện tại. Tuy nhiên, cũng từ ngày này, Grab hay các đơn vị đang thực hiện thí điểm theo Quyết định 24 sẽ được phép hoạt động ở các tỉnh thành, không chỉ bó buộc theo điều kiện thí điểm trước đây.
5. Taxi công nghệ không bắt buộc phải gắn hộp đèn
Nghị định 10/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 17/01/2020 đã có bô sung một số nội dung mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Do đó, những ai có nhu cầu tìm mua các mẫu xe ô tô chạy grab cần nắm rõ quy định. Cụ thể, Điều 6 Nghị định nêu rõ:
- Xe taxi được quyền lựa chọn gắn hoặc không gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe.
- Nếu lựa chọn gắn hộp đèn thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” trên kính phía trước và kính phía sau xe.
- Nếu không gắn hộp đèn thì phải có phù hiệu “XE TAXI” dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang thì niêm yết (dán cố định) trên kính phía trước và kính phía sau xe.
Tóm lại, Nghị định này không yêu cầu taxi, bao gồm cả taxi công nghệ phải gắn hộp đèn trên nóc xe như quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP trước đây.
Song song với đó, taxi công nghệ có sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi (phần mềm tính tiền) như Grab, Be… thì trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến. Tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số.
Lưu ý: Cần đảm bảo phần mềm tính tiền phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc logo của doanh nghiệp. Trước khi thực hiện chuyến đi, phải cung cấp cho khách hàng họ và tên lái xe, biển số xe, hành trình, cự ly (km), tổng số tiền phải trả và số điện thoại giải quyết phản ánh của hành khách.
Nghị định này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/4/2020.
Hy vọng với những thông tin mà DailyXe đem đến trong bài viết này sẽ thật sự hữu ích đến bạn !